TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUÂT HUYẾT

Thứ bảy - 15/04/2023 09:23
Kính thưa các thầy, cô và các ban học sinh yêu quý! Hiện nay thời tiết đang giao mùa, độ ẩm không khí rất cao là môi trường thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan nghiêm trọng đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết bắt đầu xuất hiện và ngày càng tăng nhanh. Hôm nay Phòng Y tế nhà trường sẽ cung cấp một số thông tin về bệnh sốt xuất huyết để các bậc phu huynh, học sinh cùng các đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường biết cách phòng tránh bệnh cho bản thân và người thân cùng bảo vế sức khỏe.

1. Khái niệm
- Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây ra. Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
- Sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua muỗi Aedes aegypti và thường phân bố ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Dịch bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra bất cứ khi nào. Tuy nhiên, độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi, làm tăng khả năng lây truyền bệnh..
- Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng nên có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người già.

2. Phân loại sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết được chia ra 2 nhóm: Nhóm không biến chứng và nhóm biến chứng nặng. Đây là hai nhóm phân loại đơn giản hóa của WHO để thay thế cho phân loại cũ năm 1997, định nghĩa phân loại mới được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ năm 2011.
2.1. Sốt xuất huyết thể nhẹ
Sốt xuất huyết thể nhẹ là khi người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue nhưng không bị các biến chứng nặng. Sốt xuất huyết thể nhẹ có thể tự điều trị như 1 bệnh sốt thường tại nhà. Tuy nhiên, khi người bệnh bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ vẫn có khả năng chuyển sang thể nặng do chăm sóc sai cách. 

2.2. Sốt xuất huyết thể nặng

Bệnh sốt xuất huyết thể nặng do liên quan đến chảy máu hay rò rỉ huyết tương nghiêm trọng, rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể. Có thể hiểu rằng sốt xuất huyết thể nặng là khi tình trạng bệnh trở nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm.

3. Triệu chứng sốt xuất huyết

- Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết thể nhẹ bao gồm: Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,… 
Người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.
- Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng dưới đây.
+ Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.
+ Chảy máu mũi hoặc ở chân răng.
+ Nôi ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).
+ Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.
+ Người mệt mỏi li bì, choáng.
Khi người bệnh không may chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.

- Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.

4. Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn khôi phục. 
4.1. Giai đoạn sốt
- Sau khi bị nhiễm vi rút Dengue từ muỗi, người bệnh sẽ ủ bệnh từ 4 – 7 ngày, có khi tới 14 ngày, sau đó mới xuất hiện các biểu hiện sốt. Đây là giai đoạn sốt, bệnh nhân có thể sốt cao liên tục hoặc sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ có các triệu chứng đi kèm như: Mệt mỏi rũ rượi, đau họng, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các cơ khớp,…
Đối với trẻ em, triệu chứng phổ biến là sốt kèm theo đau họng và đau bụng. Sau 3 ngày trẻ sẽ hạ sốt, đến ngày thứ 8 thường xuất hiện xuất huyết nhẹ như: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt, bé có thể sẽ xuất hiện các nốt ban ở mình, sau đó lan đến mặt, các chi, lòng bàn tay và bàn chân gây ngứa.
4.2. Giai đoạn nguy hiểm
- Ở giai đoạn nguy hiểm diễn ra từ ngày 3 – 7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể giảm hoặc còn sốt, lúc đó sẽ xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Các biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như:
+ Các triệu chứng của thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch. 
+ Người bệnh có thể bị tràn dịch phổi và có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.
+ Triệu chứng nặng khi bị tràn dịch màng bụng như: Chướng bụng, bụng to nhanh.
+ Đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.
+ Xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết, thường sẽ có ở mặt trước 2 chân, và mặt trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng.
+ Tình trạng nguy hiểm hơn khi xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,…
+ Các biến chứng nặng mà người bệnh sốt xuất huyết có thể phải đối mặt ở giai đoạn nguy hiểm như: Viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận.
- Những biến chứng nặng có thể xảy ra ở một số người bệnh không có các dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không bị sốc. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh; nếu có các triệu chứng trở nặng như trên cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

4.3. Giai đoạn hồi phục

- Sau khi qua giai đoạn nguy hiểm từ 1 – 2 ngày, người bệnh hết sốt, sức khỏe dần hồi phục, huyết áp ổn định, tiểu nhiều hơn và thèm ăn. Các chỉ số xét nghiệm dần trở về mức bình thường. 
- Ở giai đoạn này, người nhà bệnh nhân cần lưu ý: Chăm sóc người bệnh cẩn thận và đúng cách, không được lơ là các triệu chứng bất thường dù bệnh nhân có biểu hiện hồi phục. Giai đoạn này, nếu không được chăm sóc kỹ người bệnh có thể bị phù phổi hoặc suy tim.

5. Cách điều trị sốt xuất huyết

- Sốt xuất huyết Dengue hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị dựa trên triệu chứng. Khi bắt đầu phát sốt kèm theo các triệu chứng của sốt xuất huyết người bệnh có thể đi thăm khám ở bệnh viện. Với mức độ nhẹ người bệnh sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, thời gian điều trị có thể lên đến từ 7 – 10 ngày tính từ ngày phát sốt đầu tiên. 
- Người bệnh điều trị sốt xuất huyết tại nhà cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Có thể sử dụng thuốc Paracetamol để hạ sốt, liều dùng từ 10 – 15mg/1kg/lần, uống thuốc cách nhau ít nhất 4 giờ. 
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh vì trong lúc này người bệnh bị mệt và choáng có thể bị té ngã khi tự đi 1 mình. Cho người bệnh uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường các loại nước trái cây, nước bù điện giải, nước cháo loãng. Nên chia nhiều bữa ăn nhỏ cho người bệnh dễ ăn, thức ăn nên là thức ăn lỏng hoặc mềm. Cho người bệnh tắm bằng nước ấm, lau người nhẹ nhàng không nên kỳ mạnh lên da. 
Lưu ý: Tuyệt đối không cho người bệnh sốt xuất huyết uống Aspirin, Analgin, Ibuprofen, vì thuốc này có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng do xuất huyết hoặc toan máu. 
- Khi đang điều trị sốt xuất huyết tại nhà nếu thấy một trong những biểu hiện bất thường hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời. 

6. Cách phòng ngừa sốt xuất huyết

- Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi và phòng muỗi đốt một trong những tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chính. Bạn có thể thực các biện pháp diệt muỗi hiệu quả dưới đây:
- Ngăn ngừa muỗi sinh sản: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ được trứng. Thả cả hoặc con mê sô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng. Vệ sinh các dụng cụ chứa nước nhỏ thường xuyên như: Xô, chậu, lu, khạp,… Phát quang vườn rậm và thu gom các vật dụng phế thải có thể chứa nước dễ chứa lăng quăng như chai, lọ mảnh chai, lon, vỏ dừa, bình đựng hoa cúng, bánh xe vứt bỏ,…
- Phòng muỗi đốt bằng các cách như: Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, ngủ trong mùng kể cả ban ngày. Xua đuổi muỗi vào nhà bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem xua đuổi muỗi, bắt muỗi bằng vợt điện muỗi,… Sử dụng rèm che cửa có tẩm hóa chất diệt muỗi. Phối hợp với chính quyền để phun đủ các đợt phun hóa chất diệt muỗi. 
- Phòng lây lan dịch từ người bệnh: Không để người bệnh sốt xuất huyết bị muỗi cắn bằng cách cho người bệnh ngủ trong màn.
Vì sức khỏe gia đình và cộng đồng đề nghị chúng ta cùng thực hiện khẩu hiệu: KHÔNG CÓ LĂNG QUĂNG KHÔNG CÓ BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT


 

Tác giả: NV y tế Nguyễn Thị Kim Nhung

Nguồn tin: NV Y tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây