BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Thứ bảy - 23/09/2023 15:58
Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là bệnh viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch từ mắt của người bệnh.
1. Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ:
          Đau mắt đỏ có tới 65-90% nguyên nhân do virut.
Bệnh dễ trở thành dịch và khả năng lây lan và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, qua tay, qua cầm nắm trạm vào những đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như mắt kính, khăn mặt, chậu rửa mặt.
Thời tiết nóng nắng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Công sở, lớp học, nơi công cộng là môi trường khiến bệnh lây lan nhanh và nhiều. Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau.

2. Các triệu chứng đau mắt đỏ :
Triệu chứng của đau mắt đỏ khá điển hình. Khởi đầu, bệnh nhân thường cảm thấy mắt hơi ngứa, cộm hoặc khó chịu nhẹ sau đó các triệu chứng đặc trưng của bệnh dần xuất hiện.
- Đỏ mắt là triệu chứng nổi bật nhất. Thông thường phần lòng trắng của mắt sẽ đỏ nhẹ trong 2-3 ngày đầu tiên sau đó đỏ nặng lên rõ rệt.
- Mi sưng nề nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ viêm. Một số trường hợp mi sưng nề nhiều đến mức bệnh nhân không thể tự mở mắt.
- Nhiều ghèn dử: đây chính là chất tiết do quá trình viêm sản sinh ra. Chất tiết này bám vào lông mi, khi khô sẽ làm hai mi dính chặt vào nhau làm bệnh nhân rất khó mở mắt khi ngủ dậy.
- Chảy nước mắt: do phản ứng viêm kích thích tiết nhiều nước mắt khiến bệnh nhân phải lau liên tục. Đôi khi mắt chảy dịch hồng do có ít máu hòa với nước mắt. Khi đó rất có thể mắt có giả mạc cần phải bóc đi để giảm phản ứng viêm.
- Nhìn mờ : đau mắt đỏ ít khi gây nhìn mờ trừ trường hợp nặng hoặc khi có biến chứng như viêm giác mạc.
- Đau nhức: đau mắt đỏ thông thường không gây đau nhức mà chỉ gây cộm vướng, khó chịu nhẹ. Nếu bệnh nhân đau nhức, cộm vướng nhiều cần cẩn trọng nguy cơ bị biến chứng viêm giác mạc.

3. Bệnh đau mắt đỏ có thể gây biến chứng gì?
Đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây biến chứng cho đôi mắt như:
- Viêm giác mạc: đây là biến chứng thường gặp nhất. Khi có viêm giác mạc, các triệu chứng sẽ nặng nề hơn: bệnh nhân đau nhức, cộm vướng và nhìn mờ. Thời gian điều trị cũng kéo dài hơn. Một số trường hợp virus ký sinh trong giác mạc gây ra nhiều đợt viêm giác mạc tái phát sau này.
- Loét giác mạc: đau mắt đỏ có thể làm tổn thương lớp biểu mô bảo vệ của giác mạc do đó nếu bội nhiễm vi khuẩn hay nấm sẽ gây loét giác mạc. Đây là một biến chứng vô cùng nặng nề làm giảm thị lực trầm trọng. Để phòng tránh biến chứng này cần giữ vệ sinh mắt sạch sẽ, rửa mắt bằng nước muối sinh lý, không tự ý mua các thuốc chống viêm chứa corticoids để tra mắt.
- Sẹo kết mạc: quá trình viêm và các thủ thuật điều trị như bóc giả mạc có thể gây ra các vết sẹo trên kết mạc.
3. Phòng bệnh đau mắt đỏ:
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan cho các thành viên trong gia đình và ra ngoài cộng đồng. Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết từ mắt của người bệnh hoặc qua đường giọt bắn. Hiện tại không có thuốc nào có thể dự phòng được bệnh.
Để phòng bệnh một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:
-Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
-Không dùng chung các đồ dùng cá nhân, nhất là khăn mặt. Nếu đã bị một mắt thì nên rửa mỗi bên mặt bằng một khăn mặt riêng để tránh lây sang mắt còn lại.
-Hạn chế động tác day dụi mắt.
-Hạn chế tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
-Đeo khẩu trang.
-Tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Sau khi chăm sóc cho bệnh nhân xong phải rửa tay bằng xà phòng.
4. Điều trị:
- vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
- Đeo kính tối màu để giảm triệu chứng chói mắt, bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, nhiễm khuẩn.
- Không dùng tay dụi mắt, sờ vào mắt.
- Chú ý nghỉ ngơi dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng và giúp mắt mau phục hồi.
- Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh và kháng viêm để phòng ngừa bội nhiễm cho mắt và hạn chế triệu chứng khó chịu của bệnh theo chỉ định của Bác sỹ.
Trên đây là bài truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Vậy kính mong thầy cô và các em học sinh quan tâm hơn nữa, cùng chung tay phòng chống bệnh đau mắt đỏ vì sức khỏe của chính mình, người thân gia đình và toàn xã hội./.
                                                                              Chúc các em luôn khỏe và học tập tốt!
                                                              Kim Bài, ngày 20 tháng 9 năm 2023
                                                                    Bộ phận y tế nhà trường
                                                                    Nguyễn Thị Kim Nhung

Tác giả: NV y tế Nguyễn Thị Kim Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây