Hình ảnh bìa sách tại Thư viện nhà trường
1. Lời giới thiệu
Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt là cuốn sổ tay về giáo dục gia đình xuất sắc của chuyên gia giáo dục Doãn Kiến Lợi; là tác phẩm ngay từ khi còn chưa được xuất bản đã được lưu hành dưới hình thức “bản chép tay”. Cuốn sách đã:
1. Đưa ra những nguyên tắc giáo dục gia đình hoàn toàn mới mẻ, giúp các bậc cha mẹ có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình trưởng thành của con.
2. Đưa ra nhiều cách đơn giản mà hữu dụng, lý luận và thực tiễn kết hợp hoàn hảo với nhau, giúp các bậc phụ huynh có thể áp dụng và đem lại hiệu quả ngay lập tức.
3. Chỉ cho các bậc cha mẹ cách để giúp con mình yêu thích sự học, nâng cao thành tích; cách dạy trẻ làm người, luôn tự lập, tự cường, sống trách nhiệm.
Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt là một cuốn sách mô phạm thực sự cầu thị bàn về giáo dục gia đình, là công cụ thực dụng nhất của các bậc phụ huynh.
2. Trích dẫn:
Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi được dịch cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt của tác giả Doãn Kiến Lợi. Trong quá trình dịch, tôi chỉ tiếc rằng mình không được đọc cuốn sách này sớm hơn bởi nếu được đọc sớm hơn, tôi sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi dạy con của mình. Nhưng vẫn còn may mắn bởi con của tôi còn khá bé, hai cháu đang ở độ tuổi cần đặc biệt lưu ý dạy dỗ, và cuốn sách này đã đem lại cho tôi nhiều kiến thức bổ ích. Tôi có thể cam đoan rằng, đây là cuốn sách mà tất cả những người bố, người mẹ có con trong độ tuổi từ sơ sinh đến khi mười tám tuổi và các giáo viên nên đọc.
Cuốn sách gồm bảy chương, mỗi chương có một chủ đề, từ các góc độ tình yêu, việc học hành, thói quen, trí tuệ của người làm bố làm mẹ, chuyện nhỏ trong giáo dục gia đình, những sai lầm trong giáo dục…, tác giả đã trình bày cho chúng ta một số nguyên tắc giáo dục gia đình rất mới mẻ, khiến chúng ta học hỏi và ngộ ra rất nhiều điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại rất ít người làm được xung quanh vấn đề giáo dục con trẻ.
Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra rất nhiều quan điểm mà khi suy ngẫm tôi cảm thấy rất tâm đắc, ví dụ như trong vấn đề đọc sách của con, cách đọc sách tốt là đọc chữ, cách đọc sách xấu là đọc tranh. Hoặc quan điểm không nên vạch rõ ranh giới giữa các môn tự nhiên và các môn xã hội. Trên thực tế, giữa nhóm ngành tự nhiên và nhóm ngành xã hội không có ranh giới, mà ngược lại, hai nhóm ngành này luôn hỗ trợ cho nhau. Để con học lệch là một điều rất đáng tiếc, ảnh hưởng rất xấu đến tương lai của con sau này. Hoặc như vấn đề nên nhìn nhận thế nào về thành tích học tập của con, tác giả đã đưa ra một quan điểm rất đáng để các bậc phụ huynh phải suy nghĩ: Điểm tối đa là giới hạn cao nhất của thành tích, rất nhiều bậc phụ huynh yêu cầu con phải thi đạt điểm mười, điều này chỉ khiến con trẻ luôn cảm thấy mình là kẻ thất bại. Khi con đạt điểm tám hoặc chín, bố mẹ cũng đã có thể khen ngợi trẻ. Phụ huynh không nên quá coi trọng điểm số của trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng đến động cơ học tập của trẻ. Điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ là thói quen ham đọc sách và niềm hứng thú trong học tập. Muốn làm được điều này, tác giả nhấn mạnh nên để trẻ được học trong bầu không khí thoải mái, tuyệt đối không nên dùng việc học để trừng phạt con trẻ, định hướng cho trẻ cảm nhận được niềm vui trong học tập, ứng dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Tác giả đã nắm bắt được tâm lý của trẻ, vận dụng phương pháp “tư duy trái chiều”, đề ra rất nhiều phương pháp ngược hẳn với cách làm theo thói quen của chúng ta như không kèm con học mới bồi dưỡng cho con phương pháp học tập tốt; phạt con, không cho con làm bài tập; học tập không nên “cực khổ, nỗ lực”; không thi đạt điểm mười; được điểm cao không khen thưởng… Những quan điểm này mới nghe thì cảm thấy rất “ngược đời”, nhưng đọc xong mới phát hiện ra một chân lý rất đơn giản: Muốn để con trẻ làm tốt một việc, hãy để trẻ thích làm việc đó trước.
Quá trình đọc cuốn sách này chính là quá trình phụ huynh tự kiểm điểm lại mình vì mỗi chúng ta còn có quá nhiều ngộ nhận xung quanh vấn đề giáo dục con trẻ. Giáo dục nằm ngay xung quanh chúng ta, mỗi chi tiết nhỏ đều là thời cơ giáo dục tốt nhất, quan trọng là bạn dùng phương pháp nào để định hướng cho con trẻ. Giáo dục con trẻ là một nghệ thuật cần phải học hỏi, và tôi đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích qua cuốn sách này.
Bảy chương trong cuốn Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt chủ yếu tập trung vào ba vấn đề: Bồi dưỡng thói quen, giáo dục phẩm chất và phương pháp học tập. Tác giả đã chia sẻ với độc giả rất nhiều kinh nghiệm của mình trong quá trình nuôi dạy con gái. Tôi cho rằng những kinh nghiệm này rất thích hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam. Đương nhiên, mỗi con người đều là một cá thể, giữa con người với con người tồn tại sự khác biệt lớn trong trí tuệ và tính cách, chúng ta không thể dựa vào tất cả những phương pháp mà tác giả đưa ra để áp dụng đối với con mình và kỳ vọng con em mình cũng thành công như cô bé Viên Viên – con gái của tác giả. Nhưng những phương pháp mà tác giả Doãn Kiến Lợi đưa ra vẫn rất có tính thuyết phục. Tôi cảm thấy ưu điểm nổi bật nhất của cuốn sách này là vừa có lý luận, vừa liên hệ với thực tế, dễ áp dụng vào thực tiễn, không như nhiều cuốn sách về giáo dục trẻ em chỉ đưa ra lý luận, đọc xong độc giả không biết nên bắt đầu từ đâu, nên áp dụng thế nào.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói là, cảm ơn tác giả Doãn Kiến Lợi, người đã chia sẻ với độc giả rất nhiều kinh nghiệm đáng quý trong mười sáu năm nuôi dạy con của mình. Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt thực sự là một cuốn sách đáng đọc và suy ngẫm. “Mẹ là người bạn, mẹ là người thầy, mẹ là người dẫn đường chỉ lối cho con, sự khác biệt trong phương pháp giáo dục của người mẹ sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con”.
Nguồn tin: Dịch giả Trần Quỳnh Hương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn