"Công nghệ hiện đại nhưng nếu nội dung chưa đạt, phương pháp chưa chuẩn, cộng thêm người học thiếu tự giác và chưa có cách học đúng thì tình trạng lãng phí dễ xảy ra"
Thầy CHÂU THẾ HỮU
Một số phụ huynh cho con theo các khóa học này đánh giá chưa có nhiều sự khác biệt. Còn các chuyên gia giáo dục, giáo viên cho rằng đây chỉ là gắn "mác".
Đáng đồng tiền bát gạo?!
Chị Đ.T.H. (quận 1, TP.HCM) nhận được lời chào mời từ cuộc gọi bán hàng qua điện thoại, quảng cáo về "tiếng Anh tích hợp theo công nghệ 4.0".
"Bên trung tâm dạy tiếng Anh bằng máy tính bảng, máy thông minh, sau đó đánh giá năng lực bằng trí tuệ nhân tạo để biết được con có điểm mạnh yếu chỗ nào, bồi dưỡng điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Khóa học này khác hẳn với khóa học bình thường nên mẹ yên tâm về việc đo chính xác năng lực của con, cũng như đáng đồng tiền bát gạo" - nhân viên quảng cáo tư vấn qua điện thoại với chị Đ.T.H..
Nhân viên này giải thích thêm rằng đây là khóa học mới nổi lên, độc lạ và đang có chương trình giảm giá trong mùa dịch cho học sinh tuổi mầm non đến tiểu học: "Học phí một quý là 6 triệu đồng, đang có chương trình giảm giá còn 5,5 triệu. Phụ huynh có thể cho con học thử để thấy sự khác biệt. Chị nên cho con học sớm để trở thành công dân số 4.0 theo tiêu chí chung như sử dụng công nghệ an toàn, hiệu quả".
Lần đầu nghe tên học tiếng Anh theo công nghệ 4.0, chị Đ.T.H. hoài nghi nên đem thông tin về chương trình trao đổi trong một group các phụ huynh có con tiểu học. Không chỉ chị H., rất nhiều phụ huynh phản hồi về những khóa học "công nghệ 4.0" này.
Chị Lan Nguyễn (quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể rằng cháu gái của chị lớp 4, theo học online một trung tâm tại quận Phú Nhuận về các môn khoa học theo công nghệ 4.0.
"Gia đình đăng ký, sau đó bên trung tâm đưa cho con một bài tập kiểm tra, rồi họ điện thoại tư vấn và làm gì đó tôi không biết, nhưng thấy bé học tập bình thường trên máy tính của mẹ. Hỏi ra mới biết đang học theo công nghệ 4.0 "xịn xò", khác với cách học của thầy giáo ở lớp.
Phụ huynh theo dõi con học qua một app với báo cáo tình hình học tập mỗi hôm của con, phân tích và đánh giá được thực hiện bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Nhưng tôi thấy năng lực của cháu chưa chuyển biến" - chị Lan Nguyễn nói.
Tương tự, chị N.T.Y. (quận 1) chia sẻ: "Con tôi có đăng ký, máy móc mọi thứ theo công nghệ 4.0 chỉ là "phụ kiện", con tôi thấy chán và không hứng thú với cách học khoa học, toán học hay các môn khác và xin cho học bình thường như các bạn. Tôi thấy quan trọng vẫn là chất lượng".
Phụ huynh nên cẩn trọng
Trong khi đó, thầy Châu Thế Hữu, giảng viên môn tiếng Anh Trường ĐH Tin học ngoại ngữ TP.HCM, cho rằng việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập là hướng đi đúng, tuy nhiên phải ở mức hợp lý và phát huy tối đa lợi ích cho quá trình tiếp thu kiến thức của người học.
Theo thầy Hữu, để việc ứng dụng này hiệu quả, trước hết cần xét đến nội dung và chất lượng của công nghệ giảng dạy. Quá trình thẩm định thường khá qua loa và độ tin cậy không cao, nhất là khi người thẩm định chưa đặt mình trong bối cảnh người học ở nhiều trình độ và cách thức học khác nhau.
Thứ hai, cần đảm bảo cả người dạy lẫn người học nắm được cách thức vận dụng công nghệ. Thậm chí, nếu tài nguyên mà công nghệ mang lại dồi dào nhưng người sử dụng không biết cách dùng hoặc không có phương pháp hợp lý thì sẽ dễ chán nản và lãng phí thời gian, tiền bạc lẫn công sức.
Thứ ba, người sử dụng công nghệ cần tự ý thức và tự giác trong quá trình học tập của mình. Sự chủ quan và nóng vội có thể khiến cho việc học tập kém hiệu quả, đi kèm với việc tiêu tốn tiền bạc vô ích, dù công nghệ hỗ trợ có thực sự hiện đại đến đâu chăng nữa.
Thứ tư, quan trọng hơn cả là với tính tương tác cao và khả năng giao tiếp qua lại nhanh, khả năng quan sát phản ứng từ ngôn ngữ cơ thể, phương pháp giảng dạy trực tiếp truyền thống vẫn mang hiệu quả vượt trội so với giảng dạy trực tuyến.
Do đó, công nghệ ở thời điểm hiện tại chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng phương pháp giảng dạy truyền thống chứ không thể thay thế hoàn toàn, đặc biệt là quá trình học ngoại ngữ mà trong đó người học cần có người dạy lắng nghe, phân tích các điểm sai sót trong quá trình phát âm, trình bày vấn đề bằng lời nói hay viết lách.
Những môn học khác cũng tương tự, công nghệ chỉ hỗ trợ thôi.
Nguồn tin: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn